Hỏi đáp - Thuốc trừ sâu được chế từ thảo mộc. Xin chuyên gia nói rõ về những loại thuốc này?

Hỏi đáp - Thuốc trừ sâu được chế từ thảo mộc. Xin chuyên gia nói rõ về những loại thuốc này?

------------------
Nông dân hỏi:
------------------
Tôi được biết hiện nay ở nước ta có nhiều loại thuốc trừ sâu được chế từ thảo mộc. Xin chuyên gia nói rõ về những loại thuốc này.
-----------------------
Chuyên gia trả lời:
-----------------------
Minh hoạ thuốc trừ sâu thảo mộc - Ảnh: vtc16.vn
  Những loại thuốc trừ sâu được chế từ thảo mộc chủ yếu ở nước ta hiện nay gồm có:

1. Thuốc chế biến từ cây xoan dâu:
  Công dụng:
  Thuốc chế biến từ lá, quả cây xoan dâu (tên khoa học là Milia azedorach L) có tác dụng diệt trừ sâu, rệp. Nó ít độc đối với động vật và côn trùng có ích.
  Một số sản phẩm của thuốc:
- Dung dịch lá xoan: Lấy lá xoan khô ngâm một ngày trong nước vôi với tỷ lệ 1 kg lá khô / 10 lít nước. Sau đó ngâm đủ thời gian thì vò nát rồi lọc lấy dung dịch. Khi sử dụng thì thêm 0,1 % xà phòng hoặc 0,005% saliman rồi mới đem phun.
- Bột quả xoan: Lấy quả xoan sắp chín phơi khô và nghiền nhỏ thành bột. Khi sử dụng thì thêm 5% saliman.
  Cách sử dụng:
  Liều dùng cho 1ha là 28kg bột lá xoan. Cách pha chế như sau: Cứ 1kg pha vào 10 lít nước, ngâm trong 1 ngày rồi lọc kỹ. Sau đó pha thêm 10 lít nước lã và 5 gam saliman hoặc ít bột xà phòng. Như vậy để phun cho 1ha thì phải dùng 28 kg bột lá xoan pha trong 560 lít nước cộng với 140g saliman.
  Thuốc phun sẽ có hiệu quả nếu phun vào lúc mát trời. Thuốc có tác dụng trừ sâu cuốn lá, rệp, sâu xanh, sâu khoang, sâu tơ. Mức trung bình thuốc có diệt tới 50 – 60% sâu nhưng nếu pha thêm vào thuốc một ít hoá chất trừ sâu thì hiệu quả tiêu diệt sẽ tăng lên 80 – 90% sâu. 3 – 5 ngày sau khi phun thuốc mới phát huy năng lực diệt sâu.
  Trong hai loại sản phẩm của thuốc chế từ cây xoan, dung dịch lá là sản phẩm có hiệu quả trừ sâu hơn bột quả.

2. Thuốc chế biến từ hạt cây củ đậu:
  Tên khoa học của cây củ đậu là Pachyrhizus erossus Urb. Đây là một loại cây rất phổ biến trong đời sống hàng ngày. Củ đậu là một loại cây thực phẩm có tính mát, vị ngọt, nhiều nước, tinh bột và các vitamin. Người ta chủ yếu khai thác củ nên trong khi trồng đậu người nông dân không cho ra hoa, ra hạt. Sở dĩ có điều này còn bởi vì hạt củ đậu có 3 % là các độc tố như: Rotenone, Phachyzhizion, Tephorosin, Muderoue và một số loại chất độc khác. Những chất độc này có tác dụng diệt trừ sâu bọ. Vì vậy nó được dùng để sản xuất thuốc trừ sâu.
  Phạm vi sử dụng của thuốc trừ sâu chế từ hạt củ đậu đương đối rộng. Trên rau họ thập tự (bắp cải, xu hào…) thuốc diệt sâu tơ, sâu xanh, bướm trắng, rệp, bọ nhảy. Trên rau muống thuốc diệt sâu ba ba. Thuốc còn có tác dụng diệt bọ xít đùi to, bọ nẹt… Có hại đối với sâu phá hoại nhưng thuốc lại không hề ảnh hưởng đến các loại sâu có ích cho mùa màng. Vì vậy việc dùng thuốc từ hạt củ đậu sẽ được ứng dụng ngày càng rộng rãi.
  Để chế tạo hạt củ đậu thành thuốc trừ sâu, người ta thường làm theo 2 cách để cho ra 2 loại chế phẩm.
  Người ta dùng các dung môi hữu cơ để tách chiết các chất độc có trong hạt củ đậu. Sau đó cho thêm các chất phụ gia rồi chế biến thành dạng lỏng. Có sản phẩm xong người ta thường đóng vào chai để có thể sử dụng lâu dài. Sản phẩm thuốc lỏng này có ưu điểm là dễ sử dụng, hiệu quả diệt sâu cao còn nhược điểm của nó là quá trình chế tạo phức tạp và khá tốn kém. Vì vậy việc chế tạo và sử dụng sản phẩm này còn đang được cân nhắc.
  Người ta phơi khô hạt củ đậu rồi nghiền nhỏ thành dạng bột. Sau đó cho thêm 5 % chất phụ gia như: Chất bám dính, chất chống lắng… trộn đều lên là đã tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Ưu điểm của loại sản phẩm này là dễ chế tạo, dễ vận chuyển và dễ sử dụng, hiệu quả trừ sâu khá cao. Tuy vậy, nó cũng có hạn chế là lượng thuốc sử dụng tương đối nhiều và đôi khi phải lọc bỏ bã thì mới phun được. Nhược điểm nào có thể khắc phục được nếu trong quá trình xay, nghiền phải làm cho bột thật mịn để có thể phun thẳng không qua lọc. Trong việc sử dụng hàng ngày, dạng thuốc bột này thường được hoà với nước, đổ vào bình phun rồi tiến hành phun.
  Người ta lấy 200 – 250 g thuốc dạng bột rồi pha với 1 lít nước. Sau khi ngâm khoảng 12 tiếng thì dùng vải màn lọc bỏ bã chỉ lấy nước. Tiếp đó, hoà thứ nước thu được với 10 lít nước lã rồi đem phun. (Lưu ý: nếu bột mịn thì có thể phun trực tiếp mà không cần lọc). Khi phun phải chú ý phun đều, có khi còn phải phun ở mặt dưới lá. Để thuốc có thể phát huy hiệu quả, việc phun theo liều lượng cần phải được chú ý. Căn cứ vào từng giai đoạn phát triển của cây để phun hợp lý. Ví dụ: cây mới lớn thì lượng dung dịch phun là 1 – 1,5 bình/sào Bắc Bộ, còn cây trưởng thành thì phải dùng 2 – 3 bình/sào. Một điểm lưu ý nữa là nên luân phiên phun nhiều loại thuốc khác nhau để tránh hiện tượng sâu nhờn thuốc.
  Thuốc trừ sâu hạt củ đậu tác động đến sâu theo 3 hướng:
- Trực tiếp tác động vào sâu bằng con đường tiếp xúc. Nếu sâu bị dính thuốc thì sẽ nhanh chóng bị chết. Tuy nhiên, thuốc chỉ phát huy hiệu quả mạnh nhất khi nó còn ướt. Nếu thuốc đã khô thì khả năng diệt trừ không cao.
- Thuốc dính lại trên lá cây sẽ khiến cho sâu không ăn lá. Đây là hiện tượng “gây ngán” cho sâu. Nếu lá đã bị dính thuốc thì đến cả những con sâu tham ăn nhất cũng phải bỏ đi.
- Quan sát thực tế, người ta thấy rằng những ruộng rau đã phun thuốc thì côn trùng, sâu bọ có hại không dám bén mảng đến. Hiệu quả nhất theo hướng này là xua đuổi được sâu tơ, sâu non, bướm sâu ra khỏi ruộng, lượng trứng âu cũng giảm đi khoảng 20 – 30% so với ruộng không phun.

3. Chế phẩm thuốc sâu từ cây ruốc cá (dây mật).
  Tên khoa học của cây này là Derriss spp, hiện nay đã trồng được bốn loài để khai thác và chế biến thuốc trừ sâu.
  Thuốc trừ sâu từ cây dây mật có hiệu quả diệt trừ khá cao. Trừ sâu tơ đạt hiệu quả 70 – 80%, trừ rầy xanh hạt chè đạt được 70%, trừ rệp hại bông có hiệu quả 70 – 80%... Ngoài ra, thuốc trừ sâu này pha với một ít thuốc hoá học có thể diệt sâu ba hại rau muống, có khả năng làm chậm tốc độ sinh trưởng của sâu tơ, rệp hại cây bông…
  Với hiệu quả cao như thế, cây Ruốc cá được trồng ở một số nơi. Quy trình trồng và chế biến cũng tương đối phức tạp.
  Để trồng cây, đầu tiên người ta cắt cành rồi đem nhúng vào dung dịch 2,4 Damine sau đo đem giâm. Sau khoảng 30 – 40 ngày chăm sóc thì có thể đem cây ra trồng ở nơi định sẵn. Người ta thường đem trồng vào hố, khoảng cách giữa các cây khoảng 60 – 70 cm. Thời gian có thể thu hoạch được cây Ruốc cá tính từ khi trồng kéo dài khoảng 17 – 23 tháng. Trong thời giầnny, vào khoảng 1 năm đầu tiên thì nên chăm sóc và bón phân thật cẩn thận. Ở những nơi đất xấu, người ta thường bón khoảng 5 – 7 tấn phân chuồng và 30 – 40 kg Ure/ha. Các sản phẩm thuốc trừ sâu lấy rễ cây làm nguyên liệu để chế tạo khi thu hoạch người ta nhổ rễ cây rồi hong  kho đem chế biến. Nếu cần bảo quản để sử dngj lâu dài thì nên chặt bỏ từng miếng dài khoảng 2 – 3 cm.
   Sản phẩm chế biến từ rễ cây cũng có hai dạng lỏng và dạng bột. Để tạo ra thuốc lỏng, người sản xuất ngâm rễ cây rồi giã hoặc vắt để lấy nước. Sau đó cho thêm một ít chất phụ gia vào thuốc. Mọi việc xong xuôi là có thể đem phun. Dạng thứ hai là dạng bột. Bột được nghiền nhỏ từ rễ cây, khi sử dụng cũng phải trộn, ngâm rồi mới phun. Với dạng bột, liều lượng sử dụng là khoảng 5 – 7 kg bột/ha/. Và tuỳ vào mật độ sâu để quyết định lượng nước hoà tan. Thông thường người ta sử dụng 400 – 500 lít nước. Phải bảo quản bột nơi khô ráo, thoáng mát.

4. Chế phấm từ cây thuốc lá.
  Thuốc lá, thuốc lào là những cây khá phổ biến. Ngoài chức năng làm thuốc hút thì cây thuốc lá cũng có khả năng làm thuốc diệt sâu bệnh. Đối tượng tác động của thuốc trừ sâu loại này khá đa dạng. Trên cây lúa, thuốc diệt trừ bọ trĩ, sâu đục thân, bọ xít dài, sâu cuốn lá nhỏ… Các loại rệp ngô, rệp đậu tương, sâu khoang, sâu ba ba trên rau muống, các loại sâu trên họ hoa thập tự như sâu xanh, sâu khoang, sâu khoang  ở cây táo và nhện đỏ ở cây cam, chanh… đều có thể bị diệt trừ bởi thuốc trừ sâu được chế biến từ cây thuốc lá.

  Để chế tạo thuốc người ta lấy lá cây cho vào ngâm 1 ngày trong nước lã với tỷ lệ 1 kg lá/20-40 lít nước. Sau đó vớt ra nghiền nhỏ rồi lọc lấy nước đem đi phun.
Previous Post
Next Post

post written by:

Cửa hàng Vật Tư Nông Nghiệp - Chinh Garden ra đời giúp bạn LÀM VƯỜN một cách ĐƠN GIẢN, NHANH CHÓNG và HIỆU QUẢ.

0 Comments: