-----------------
Nông dân hỏi:
-----------------
Xin chuyên gia cho chúng tôi biết cách sử dụng một số biện pháp sinh học để trừ sâu bệnh hại cây?
-----------------------
Chuyên gia trả lời:
-----------------------
1. Dùng virut trừ sâu hại.
Sử dụng Virut có ích để diệt trừ sâu hại là một trong những biện pháp trừ sâu được cả thế giới quan tâm từ rất lâu. Chúng ta biết rằng nếu con người và động vật đều bị sâu bệnh thì sâu cũng vậy. Kẻ thù của sâu chính là những virut có ích. Ở những vùng nóng, ẩm như nước ta, virut có ích gây bệnh cho sâu hại rất phổ biến. Lợi dụng đặc điểm này, các nhà khoa học đã tạo ra một phương pháp trừ sâu rất tốt và lại có tác dụng bảo vệ môi trường.
Để sản xuất thuốc trừ sâu thuốc trừ sâu bằng virut, người ta thường thu thập những con sâu bị bệnh về phòng thí nghiệm rồi nghiền nhỏ, đun sôi và đem phun ra ruộng. Cũng có nhiều người không thu thập ở ngoài đồng mà nuôi cấy sâu nhiễm ngay ở trong phòng thí nghiệm để lấy sau chế biến thuốc. Dụng cụ và quy trình chế tạo thuốc cũng khá phức tạp. Chúng ta có thể tham khảo mô hình sau:
Khi sử dụng thuốc, điều cơ bản là phải xem xét tình hình cụ thể để quyết định liều lượng thích hợp. Nếu sâu làm nguyên liệu thì dùng khoảng 600 – 800 con để phun cho 1 ha. Nếu sâu lớn thì chỉ cần 250 – 300 con/ha. Lượng sâu đó nghiền nhỏ rồi pha với 600 lít nước để phun cho 1 ha. Để tăng thêm hiệu lực của thuốc, ta có thể thêm vào dung dịch phun 5% đường đen. Sau khi phun khoảng 1 tuần thì có thể đánh giá được hiệu quả của thuốc. Triệu chứng của sâu bị nhiễm Virut là thân sâu nở phình ra, da trở nên mỏng, trong và dễ vỡ. Khi lớp da vỡ ra thì sâu sẽ chết. Khi chết đít sâu vẫn dính ở cành. Trong cơ thể sâu chết có rất nhiều virut, đây chính là nguyên liệu để các nhà sản xuất chế tạo thuốc trừ sâu virut.
2. Trừ sâu bằng chế phẩm BT
Vi khuẩn Bacillus Thuringiensis (BT) được phát hiện vào năm 1915. BT là một loại thực khuẩn có khả năng gây bệnh đối với côn trùng. Tận dụng khả năng này, các nhà sinh học đã chế tạo thành công chế phẩm BT để phòng trừ sâu hại. Hiện nay, chế phẩm BT được sử dụng rộng rãi ở khắp các nước trên thế giới. Trên thị trường hiện nay có khoảng 30 loại chế phẩm có nguồn gốc từ vi khuẩn BT.
Tác dụng tiêu diệt của chế phẩm BT với sâu bọ rất cao. Nó diệt được hai trăm loại sâu bệnh và không ảnh hưởng đến con người và động vật. Thuốc BT tác dụng vào sâu hại bằng con đường tiêu hoá. Sâu bệnh ăn phải BT thì sẽ ngừng ăn và chết sau vài phút. Đặc biệt, chế phẩm BT còn tiêu diệt được cả những loại sâu đã “nhờn” thuốc trừ sâu hoá học.
Chế phẩm BT được sử dụng nhiều ở nước ta nhưng hầu hết đó là những sản phẩm nhập từ nước ngoài. Ở Việt Nam, hiện nay chỉ sản xuất được một số lượng rất ít và hiệu quả diệt chưa cao. Để sản xuất và đưa chế phẩm BT vào sản xuất nông nghiệp, nhà nước ta đã có dự án VNM 9510 – 017 về việc khuyến khích nghiên cứu thử nghiệm một vài loại BT mang đặc trưng riêng phù hợp với điều kiện nước ta.
Vi khuẩn Baccillous Thiringiengis mang trong mình nội độc tố delta (delta endotoxin). Nội độc tố delta hình thành cùng với sự hình thành bào tử vi khuẩn, và chất độc sẽ được phát tán ra bên ngoài khi tế bào vi khuẩn bị vỡ ra. Điểm đặc biệt của chất độc này là không tan trong nước, dễ bị phân huỷ ở nhiệt độ cao và muốn hoà tan độc tố này thì phải sử dụng môi trường kiềm. Chỉ khi được hoà tan thì nội độc tố delta mới phát huy tác dụng. Ngoài nội độc tố delta, vi khuẩn BT còn sản sinh ra ngoại độc tố alpha, beta và một số enzim có tác dụng diệt sâu bọ như Loxitilnaza, C-bitinaza, Proteaza.
Độc tố của vi khuẩn BT tác dụng vào sâu thông qua đường tiêu hoá để làm rối loạn các mô ở ruột sâu bọ. Trong cơ thể sâu bọ chúng sản sinh (bằng cách nhân đôi) rất nhanh làm cho sâu nhanh chóng bị tiêu diệt.
Để sản xuất chế phẩm BT thì phải tuân thủ các tiêu chuẩn như: Chế phẩm phải đảm bảo các quy định quốc tế, có hiệu quả diệt sâu cao, dễ bảo quản và sử dụng, không gây độc đối với người, động vật và các loại côn trùng có ích.
Khi sử dụng thì pha 1 lít chế phẩm BT với 30 lít nước (có thể cho thêm phụ gia bám dính) rồi phun lên cây vào những buổi trời mát, ánh sáng yếu. Lưu ý rằng, không nên phun chế phẩm BT lên lá dâu nuôi tằm.
3. Trừ sâu bằng hỗn hợp Virut + BT
Hỗn hợp virut + BT là một loại thuốc trừ sâu có phạm vi sử dụng rộng rãi, hiệu lực trừ sâu cao. Virut + BT đồng thời khắc phục được những điểm yếu của chúng. Hỗn hợp này xâm nhập vào cơ thể sâu thông qua đường miệng rồi sinh sôi nảy nở làm các mô tế bào của sâu bị phá huỷ và làm cho sâu bị chết.
Phạm vi phòng trừ của chế phẩm hỗn hợp này khá rộng. Nó tiêu diệt sâu keo, sâu đục thân, sâu cuốn lá trên cây lương thực, sâu tơ, sâu xanh, sâu khoang, sâu xanh bướm trắng ở cây họ rau. Ngoài ra, các loại sâu róm hại thông; sâu đục quả táo, lê; sâu róm, sâu đo hại chè cũng bị hỗn hợp này tiêu diệt.
Để phát huy hiệu quả của thuốc và tránh sự lãng phí không cần thiết, người ta thường dùng 0,8 – 1,6 lít chế phẩm pha với 800 lít nước để phun cho 1 ha. Do chế phẩm hỗn hợp này bị ánh sáng làm mất tác dụng nên người ta thường phun thuốc vào những lúc trời mát, ánh sáng yếu (thường là sau 4h chiều). Hỗn hợp này có tác dụng cao đối với sâu non vì vậy nên chọn thời điểm sâu vừa mới nở để phun thì chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao.
Dưới đây là một vài tiêu chí sử dụng chế phẩm tổng hợp Virus + BT đối với một số loài sâu cụ thể:
Sơ đồ 2 - Cách dùng chế phẩm |
Khi sử dụng chế phẩm Virut + BT người nông dân cũng cần phải lưu ý đến một vài điểm như:
- Bảo quản, cất giữ nơi khô ráo, thoáng mát, không có ánh sáng mạnh chiếu vào.
- Không nên dùng hỗn hợp này cùng với các loại thuốc trừ sâu hoá học khác.
- Không nên sử dụng khi trời còn nắng to mà phải đợi sau khoảng 4h chiều.
- Không nên phun thuốc vào vườn dâu nuôi tằm.
- Nên phun bổ sung nếu như trong 3 ngày sau lần phun chính thì trời đổ mưa, vì mưa là cho thuốc bị rửa trôi.
4. Diệt chuột bằng bả sinh học
Chuột là loài vật có mặt từ rất lâu trong cuộc sống. Chúng xuất hiện và gây hại đến mùa màng, nhà cửa, kho tàng… chúng còn là tác nhân lan truyền bệnh dịch cho con người. Để diệt chuột người ta đã tìm được nhiều biện pháp khác nhau, một trong số đó là phương pháp diệt chuột bằng bả sinh học hay đó là biện pháp sử dụng vi sinh vật để diệt chuột.
Ở nước ta, từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XXX, viện bảo vệ thực vật đã tìm cách nghiên cứu và thử nghiệm một loại bả sinh học lấy chủng vi khuẩn Isachenko làm nguyên liệu chính. Vi khuẩn này gây độc đối với chuột nhưng lại không ảnh hưởng đến người và động vật cũng như không làm ô nhiễm môi trường. Ngày 26 – 2- 1998 qua nhiều lần thử nghiệm Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ra quyết định số 39/1998/QĐ-BNN-BVTV chính thức công nhận thuốc diệt chuột bằng bả sinh học. Từ đó bả sinh học diệt chuột đã được áp dụng phổ biến vào thực hiện.
Đối tượngchính của bả diệt chuột sinh học là các loài chuột gây hại nhiều như: chuột đồng, chuột nhà, chuột nhắt, chuột cống… Hiệu quả diệt chuột của bả tương đối cao. Tuỳ vào liều lượng bả đặt và loại chuột mà hiệu quả xê dịch trong khoảng 75 – 100%. Sau khi ăn bả 4 – 10 ngày chuột sẽ bị chết rất nhiều. Tuỳ vào mật độ của chuột mà quyết định lượng bả cần đặt, tốt nhất là nên đặt với liều lượng 1 – 2g/1 con chuột. Bả diệt chuột sinh học không chỉ gây chết đối với những con chuột trực tiếp ăn bả mà còn lây nhiễm sang những con chuột không ăn bả trong đàn. Nhờ vậy mà hiệu quả diệt chuột của bả sinh học tăng lên. Mặt khác, bả sinh học có đặc thù hấp dẫn chuột, không làm cho chuột sợ hoặc ngán bả nên dễ sử dụng.
Đối với chuột,bả sinh học có độc tính cao nhưng đối với người và các gia súc gia cầm khác bả lại hông hề gây hại. Điều này khác với các loại bả hoá học khác có thể làm chết người, chết gia súc và gia cầm.
Để tiêu diệt chuột trong một khu vực nhất định, người ta thường đặt bả theo kiểu bao vây (tức là đặt bả khép kín khu vực cần xử lý). Đặt bả tên các mô để chuột dễ nhận thấy, mỗi mô đặt khoảng 15 - 20g bả. Khoảng cách giữa các mô cũng không cố định, nếu mật độ chuột nhiều thì khoảng cách là 4 -5 m, nếu chuột ít thì khoảng cách là 6 – 7m. Với cách đặt như thế này, mỗi hecta lượng bả sẽ xê dịch trong khoảng từ 2 – 5 kg bả.
Bả sinh học dễ bị mất tác dụng nếu gặp ánh sáng trực tiếp. Vì vậy nên đặt bả vào những chỗ bóng râm hoặc lúc chiều tối. Người sản xuất thường gói bả vào trong các túi nilon, phía trong túi là thóc đã được tẩm bả. Vì vậy khi xé bỏ túi ni lông thì nên sử dụng hết, nếu để lâu thì hiệu quả sẽ không cao.
Chuột ăn bả một lần là có thể nhiễm bệnh. Khi nhiễm bệnh chuột sẽ bị ỉa chảy, đái dắt liên tục, thân nhiệt giảm xuống, đồng từ giãn to, phần bụng bị xệ xuống, chuyển động không có phương hướng, trọng lượng bị giảm sút nhanh chóng… sau một thời gian thì bị chết. Các thức chất thải của chuột bệnh sẽ gây bệnh tiếp cho những con chuột khoẻ mạnh khác nếu chúng ăn phải. Cứ như thế dần dần cả đàn chuột sẽ bị tiêu diệt.
Nếu bảo quản tốt thì bả có thể cất giữ được lâu. Để ở nơi có nhiệt độ từ 8 – 16 độ C thì sau 6 tháng bả vẫn giữ nguyên hiệu lực, bảo quản trong hầm lạnh thì 1 năm sau vẫn dùng tôt, còn nếu không có điều kiện thì nên dùng ngay, chậm nhất sau 15 ngày.
5. Nấm Metarhizium (M) và Beauveria (B) trong việc tiêu diệt côn trùng có hại.
Nấm Metarhizium anisopliae sorok và nấm Beauveria bassiana Unill là hai loại nấm có những chất độc rất mạnh có khả năng tiêu diệt côn trùng. Trên thế giới người ta đã chế biến và sử dụng hai loại nấm này từ cách đây khoảng 1 thế kỷ. Ở nước ta, cách đây 30 năm các nhà sinh học và nông học đã thử chế tạo để diệt trừ châu chấu, rầy nâu, mọt, mối… Đến nay ở nước ta đã thu thập được 10 chủng Metarzium và 18 chủng Beauveria từ nhiều loại côn trùng khác nhau.
Để sản xuất ra chế phẩm có khả năng tiêu diệt côn trùng, người ta phải tiến hành một quy trình sản xuất bao gồm nhiều bước:
Đầu tiên người ta nuôi giống nấm trong môi trường dinh dưỡng (Czapek Dox, Saburo) với thời gian 7 ngày. Sau đó người ta nhân giống và sản xuất nấm một cách đại trà. Để sản xuất đại trà người ta sử dụng môi trường cám, bột đậu, bột ngô và đường. Ở nhiệt độ 25 – 30 độ C, độ ẩm từ 65 – 85 % nấm phát triển rất mạnh. Sau khoảng 2 tuần người ta đã có thể lấy nấm để sử dụng trực tiếp hoặc chế biến đóng gói để sử dụng lâu dài.
Khi sử dụng người ta pha 200g nấm trong 5 lít nước rồi lọc nước bỏ bã. Cho thêm vào nước 0,05% hoá chất và 3 % dầu thực vật rồi trộn đều và tiến hành phun.
Căn cứ vào loại cây, thời gian sinh trưởng của cây và các loài sâu để quyết định liều dùng hợp lý. Thông thường người ta sử dụng 5 – 7 kg chế phẩm để phun cho 1 ha cây lương thực, cây thực phẩm, cây hoa màu.
Qua nhiều thử nghiệm, người ta chứng minh hiệu quả diệt trừ cao của hỗn hợp M và B. Ở Tiền Giang, sau khi phun 10 ngày với liều lượg 6,8.1013 bào tử/ha thì có 58,7 – 67,3 % rầy nâu bị tiêu diệt. Sau 20 ngày phun thuốc ở một số ruộng đay đạt 74 – 76,7%. Tại Vũng Tàu, phun chế phẩm với liều lượng 5.1013 bào tử/ha thì sau 15 ngày hiệu lực diệt trừ được 91,2%. Ngoài ra, các chế phẩm của hai loại nấm này có thể diệt trừ sâu róm hại thông, trừ mối. Chế phẩm Ma.TV 93 có khả năng diệt trừ mối hại vải và hại thông. Sau khi bón vào gốc khoảng 6 tháng thì có thể diệt sâu 85 – 100%.
6. Trừ bệnh cho cây bằng chế phẩm từ nấm Trichoderma.
Nấm trichoderma là một loại nấm đất. Do có đặc tính ức chế sự phát triển của một số loài bệnh hại nên được chế biến thành một loại thuốc sinh học bảo vệ môi trường. Đối tượng tác động chính của nấm này là các loại nấm gây hại cho cây trồng như Rhizoctonia, Fusarium, Seleorum, Pythium, Vertieillium, Botrytis…
Khi nghiên cứu cơ chế tác động của nấm trichoderma, các nhà khoa học đã tìm ra được những độc tố làm cho nấm hại bị chết. Không những thế, nấm Trichoderma còn sản sinh ra các loại men phân huỷ Glucose, Xellulose. Nhờ đó đẩy nhanh quá trình phân huỷ chất dinh dưỡng cho cây trồng, giúp cho cây trồng sinh trưởng tốt.
Về chức năng trừ bệnh, chế phẩm từ nấm trichoderma tiêu diệt nấm Rhizotonia gây bệnh khô vằn ở ngô. Một số loài nấm gây chết héo ở lạc, ở đậu tương và một số loài rau bao gồm: Rhizoctonia, Fusarium, Seleorum, Pythium, Vertieillium, Botrytis… cũng bị chế phẩm từ nấm Trichoderma tiêu diệt.
Để sản xuất các chế phẩm, người ta thường tiến hành ở quy mô vừa phải. Bước đầu tiên là phải thu thập mẫu nấm và tiến hành phân loại nấm. Sau đó chọn ra loại nấm trichoderma cần sử dụng rồi đem chúng vào môi trường nuôi cấy (chủ yếu là nuôi cấy trong môi trường khác). Sau khi đã có đủ số lượng cần thiết, người ta tách chúng rồi phơi xấy khô ở nhiệt độ 30 – 45 độ C. Bước tiếp theo là tiến hành đóng gói để sử dụng và bảo quản lâu dài.
Phương pháp tốt nhất để chế phẩm Trichoderma phát huy tối đa năng lực là bón trực tiếp xuống đất trước khi tiến hành trồng cây. Người ta thường trộn chế phẩm với phân chuồng hoai rồi rải đều vào luống, sau đó phủ nhẹ một lớp đất mỏng rồi mới tiến hành gieo trồng. Liều dùng hợp lý cho một sào Bắc bộ là 3 – 4 kg chế phẩm. Nếu dùng để phòng chống nấm hại cho cây ăn quả thì lấy 1 kg chế phẩm trộn với 10kg cám gạo và 40 kg phân chuồng hoai, sau đó tạo một rãnh xung quanh gốc rồi thả phân xuống và lấp đất lên trên.
Chuyên gia: Giáp Kiều Hưng
0 Comments: