Sơ đồ biểu diễn ba giai đoạn của một trận dịch bệnh của cây trồng
Qua nghiên cứu thấy rằng, một trận dịch bệnh của cây trồng luôn luôn diễn biến theo 3 giai đoạn là: Giai đoạn tiềm dục, giai đoạn hoành hành và giai đoạn lắng dịu.
1. Giai đoạn tiềm dục: Đây là giai đoạn đầu của trận dịch. Lúc này, mầm bệnh từ nơi lưu tồn (cỏ dại, ký chủ phụ, ký chủ trung gian, đất,...) đã phát tán, tiếp xúc và xâm nhập vào ký chủ và nhân mật số lên để chuẩn bị cho giai đoạn hoàn thành sau đó. Giai đoạn tiềm dục của bệnh rất khó phát hiện vì bệnh lan ra chậm như bình thường. Tuy nhiên, nếu có theo dõi mật số của mầm bệnh trong khu vực sẽ thấy có sự gia tăng mật số, tuy chậm nhưng càng ngày càng gia tăng. Và mật số của mầm bệnh sẽ đạt đến ngưỡng báo động vào cuối giai đoạn này.
2. Giai đoạn hoành hành: Tiếp theo giai đoạn tiềm dục là giai đoạn hoành hành. Đây là lúc mà mầm bệnh tích luỹ đủ mật số để bộc phát dữ dội. Dịch bệnh lan tràn mau lẹ và tàn phá mùa màng một cách trầm trọng. Trong giai đoạn này, hoa màu trở nên vàng cháy rồi chết dần. Năng suất bị sụt giảm nghiêm trọng do sự tàn phá của giai đoạn này. Khi dịch bệnh đã lên đến cao điểm thì bắt đầu giảm xuống và chuyển sang giai đoạn thứ 3.
3. Giai đoạn lắng dịu: Sau khi lên đến cao điểm, bệnh chuyển sang giai đoạn lắng dịu. Ở giai đoạn này, dịch bệnh khựng lại không tiếp tục lan tràn nữa và giảm mức gây thiệt hại cho cây trồng. Nguyên nhân: + Do phần lớn hoa màu đã bị tàn phá nên mầm bệnh không còn đủ thức ăn nên phải đi vào lắng dịu + Do thời tiết thay đổi không còn phù hợp cho sự phát triển của mầm bệnh nữa. + Do bà con nông dân đã phun thuốc đồng loạt để trị hoặc ngăn ngừa bệnh, mầm bệnh bị tiêu diệt bớt quá nhiều nên mật số giảim thấp, dịch bệnh không còn cơ hội hoành hành nữa mà phải chuyển sang lắng dịu. Trong giai đoạn này, mầm bệnh chuyển từ tình trạng hoạt động tích cực sang lưu tồn để chờ cơ hội sau đó.
Như vậy, để giảm thiểu tối đa thiệt hại do bệnh hại gây nên, bà con nông dân cần làm một số việc sau: - Trước khi trồng vụ mới, cần làm đất kỹ, phơi ải đất, bón vôi bột để diệt trừ mầm bệnh trong đất. - Chọn cây giống khoẻ, kháng bệnh, phù hợp với từng mùa vụ - Thường xuyên thăm đồng, theo dõi cây trồng qua từng giai đoạn sinh trưởng - Phun thuốc phòng ngừa một số bệnh phổ biến. - Áp dụng các biện pháp luân canh, xen canh cây trồng, không trồng gối vụ để hạn chế tối đa bệnh hại - Khi cây đã nhiễm bệnh cần phun thuốc với nguyên tắc 4 đúng, đảm bảo sâu, bệnh không bùng phát trở lại.
PGs.Phạm Văn Kim
|
0 Comments: