Để trồng dưa leo đạt năng suất và chất lượng cần chú ý một số vấn đề sau:
1.Thời vụ:
Trồng dưa leo (dưa chuột) trên ruộng |
Dưa leo chỉ cho năng suất cao ở mùa vụ có nhiệt độ cao, nếu cùng giống đó mà trồng ở mùa vụ có nhiệt độ thấp thì năng suất thấp hơn nhiều.
2.Thụ phấn:
Dưa leo là cây thụ phấn chéo nhờ côn trùng, vì vậy tỷ lệ hoa đực và cái, số lượng ong hay các côn trùng ăn phấn hoa khác là những yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến năng suất. Để quá trình thụ phấn đảm bảo và tránh hiện tượng trái nhỏ và biến dạng, nông dân nên tạo điều kiện cho các loại côn trùng tự nhiên như ong, ruồi ăn mật hoa sinh sống, không nên phun thuốc BVTV gần tổ ong hay gần nơi ong hoạt động (từ sáng sớm đến đầu giờ chiều).
3.Nước:
Thiếu nước có ảnh hưởng rõ rệt đến quá trình sinh hóa và sinh lý của cây dưa leo. Nếu độ ẩm đất thấp, quá trình vận chuyển nước giảm, do đó làm suy yếu khả năng giữ nước và chứa nước. Sự thiếu nước thường làm giảm sự phát triển sinh dưỡng và sinh thực, quang hợp, hô hấp, hấp thu ion và trao đổi chất. Nó còn có thể làm cho cây trở nên mẫn cảm với côn trùng và bệnh hại. Khô hạn xảy ra trước khi ra hoa có thể làm chậm ra hoa, làm giảm sự phát triển của cây, biến đổi giới tính của hoa (hoa cái thành hoa đực). Thiếu nước xảy ra trong quá trình phát triển trái sẽ làm giảm năng suất và chất lượng trái. Trong lá của hầu hết các giống dưa leo đều có chứa hợp chất cucurbitacins. Hợp chất này sẽ tiết ra chất độc để giúp cây chống lại các loài sâu hại. Trong giai đoạn tạo trái, thiếu nước sẽ làm cho trái bị đắng (những trái này chỉ làm giảm chất lượng của trái, không gây hại cho sức khỏe người ăn). Để tránh hiện tượng này, nên đảm bảo tưới đủ nước cho cây trong quá trình tạo trái. Ngoài ra, thiếu nước trái nhỏ và mềm so với bình thường, hàm lượng các chất dinh dưỡng chứa trong trái như đường, khoáng chất, vitamin cũng sẽ bị thấp đi. Dưa leo là cây ưa ẩm, đòi hỏi tương đối nhiều nước. Sau khi trồng cây con ra ruộng, nếu trời nắng yêu cầu phải tưới đủ nước, có thể tưới 2 lần/ngày. Tưới nước hợp lý có thể là yếu tố quyết định năng suất cao và chất lượng tốt. Những đất có đủ chất hữu cơ thường có khả năng giữ nước lớn và không cần phải tưới nước thường xuyên. Đất nhẹ cần tưới thường xuyên hơn, nhưng mỗi lần tưới ít hơn. Tuy nhiên, cần chú ý thừa nước sẽ làm rễ bị hư thối, cây dưa sẽ bị vàng và còi cọc.
4.Làm giàn và tỉa nhánh:
Dưa leo phát triển thân lá và các tua cuốn dài nhanh trong 2 tuần đầu sau khi trồng. Làm giàn và tỉa nhánh đúng kỹ thuật làm tăng năng suất, kích thước trái, làm giảm sâu bệnh, thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch. Khi cây cao khoảng 30cm và có tua cuốn nên tiến hành làm giàn. Tỉa nhánh: Dưa leo phát triển nhiều nhánh phía trong luống và những nhánh này không hình thành trái. Để tăng năng suất cần phải tỉa bỏ những nhánh phụ tới khi thân chính bò lên gần tới đỉnh giàn. Nên để 4-6 nhánh phụ trên một cây và ngắt bỏ chồi của thân chính để cây phát triển ra hoa trái sớm. Loại bỏ các nhánh phụ bắt đầu từ đốt thứ 10.
5.Nhu cầu dinh dưỡng:
Dưa leo rất mẫn cảm với nồng độ phân cao nhưng lại nhanh chóng phản ứng với hiện tượng thiếu dinh dưỡng. Dưa leo sử dụng phân kali nhiều nhất, kế đến là phân đạm và lân. Đạm thúc đẩy quá trình sinh trưởng sinh dưỡng và tạo trái của cây dưa leo. Nếu lượng đạm cao và mật độ trồng dày hoặc không đủ ánh sáng thì dưa sẽ cho ít trái, nếu thiếu đạm cây còi cọc. Phân lân có tác dụng kích thích sự sinh trưởng của rễ, nhánh phụ, hoa, trái và hạt. Thiếu lân, rễ phát triển kém, trái ít. Phân kali ảnh hưởng đến kích thước trái và chất lượng trái. Đủ kali có tác dụng làm giảm số lượng trái dị dạng. Tăng cường bón phân hữu cơ vì phân hữu cơ rất tốt cho sự phát triển dưa leo.
6.Tổng kết:
Tóm lại để trồng dưa leo đạt năng suất và chất lượng cao, đòi hỏi người trồng cần phải quan tâm chăm sóc ngay từ khâu gieo hạt đến ra hoa kết trái, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của cây.
Nguồn:
Cherry tomato - vuonrauxanh.com
0 Comments: