Chia sẻ - Cách trồng các loại rau trên sân thượng, ban công - phần 2

Chia sẻ - Cách trồng các loại rau trên sân thượng, ban công - phần 2

Rau thơm các loại - Ảnh minh hoạ
I. Rau gia vị:    
   Các loại rau thơm như kinh giới, quế, tía tô, húng lũi, diếp cá, húng chó, xà lách, húng quế... kể cả hành lá đều có thể trồng bằng cách cắm cánh bằng cách mua rau chợ về ăn rồi lấy phần thân nhánh già cắm xuống đất. Tưới ẩm hàng ngày bằng nước sạch, sau vài ngày sẽ lên mầm ở các đốt của cành giâm. Với hành thì cắt sát gốc để lại khoảng 3 - 4 cm rồi đem cắm xuống, để hành nhanh lên nên cắt bớt rễ, kiểu như động rễ cho hành nhanh lên mầm. Hành là cây ưa nắng nên năng suất mùa nắng cao hơn mùa mưa. Nếu trồng hành bằng thân mà khó quá thì có thể sử dụng củ hành để trồng bằng cách tận dụng những củ hành mua về mà chưa dùng đến nó tự mọc mầm thì đem trồng. Lần đầu tiên thì mầm hành còi cọc hay ngã gục nhưng từ lần thứ 2 mầm sẽ rất khoẻ và cứng cáp. Cứ thu hoạch xong thì sau 2 tuần hành lại tốt như cũ. 
   Với các loại rau gia vị chỉ cần ngâm lân bột và nước giải khoảng 10 ngày rồi đem pha loãng tưới hàng ngày cây sẽ chóng lớn. Liều lượng dùng như sau: Đem 1 kg lân bột ngâm với khoảng 1 thùng sơn 20 lít nước tiểu đem ngâm trong ít nhất 10 ngày. Sau đó lấy khoáng 1 lít hỗn hợp này đem pha với 10 - 15 lít nước sạch khuấy đều tưới cho cây.
Rau ăn lá các loại - Ảnh minh hoạ
II. Rau ăn lá:
   Với rau ăn lá, trồng cây dễ và nhanh được thu hoạch. Các loại rau mình thường trồng:
- Rau muống: Có hai cách trồng:
   Cắm cành già, mua ở chợ về ăn rồi lấy cành già cắm xuống là rất nhanh nảy mầm.
  Gieo hạt: nên ngâm hạt qua 1 đêm, sau đó có thể ủ vào một bao dứa (hoặc khăn hoặc bất cứ vật gì ẩm), khi hạt nảy mầm mang ra cắm xuống thì cây lên rất nhanh. Nếu gieo hạt mà không ngâm thì sẽ lâu nảy mầm hơn chút, nhưng vẫn được.
- Các loại cải như cải xanh, cải ngọt, gieo dày chút, để thi thoảng ăn non, ăn sống và nấu canh đều được. Rồi chọn ra một ít cây khỏe để ăn lá lớn. Mình có khoảng 10 cây cải xanh thôi, lá to y như ở chợ, thu hoạch liên tục đến khi cây già luôn.
- Bí ăn ngọn. Cái này người Bắc chắc ai cũng biết và rất thích ăn đây! Đây là 1 loại cây vô cùng nhanh lớn và dễ sống. Ra chợ mua bí ngô về ăn, rồi lấy hạt gieo xuống là lên thôi.
- Rau dền: Trường kỳ kháng chiến, mình trồng 5 tháng rồi vẫn còn được ăn. Đợt rồi vì bị dính rệp sáp, do bị lây, nên mình nhổ đi kha khá.
- Mồng tơi: cũng rất dễ lên, mình cho leo giàn, thi thoảng mình vẫn khoe là mình ăn mãi không hết đấy !
- Rau ngót rất dễ trồng, tuy lâu được ăn một chút. Mua loại rau cả thân có thân già một chút,bạn cắt xéo đi rồi cắm chéo xuống đất rất dễ lên.
- Xà lách: đừng trồng xà lách búp nếu bạn ở miền Nam. Trồng xà lách xoăn rất dễ nhé!
- Ngải cứu: cắm cành là lên, đã lên là lên rất tốt. Mình trồng ít vào cái chậu thôi, nhưng cứ 1 tháng đc 1 bữa trứng gà + ngải cứu.
- Củ cải: mình thấy loại này rất dễ trồng, ăn rau mầm hoặc cải non đều ngon.

III. Kinh nghiệm về đất, phân bón, giống, gieo hạt và phòng trừ sâu bệnh:
- Về chậu trồng cây:
   Do trồng cây tại nhà, diện tích ít mà toàn là trồng trên sân thượng, ban công nên sử dụng thùng xốp vừa rẻ vừa tốt cho cây phát triển. Chậu nhựa, sành sứ đắt mà trồng cây không được tốt như thùng xốp.
   Nếu sử dụng thùng xốp thì không nên đục thủng đáy để thoát nước mà nên đục lỗ ở bên thành thùng xốp để cây luôn có đủ lượng nước và phân bón cần thiết. Chi tiết, các bạn có thể đọc bài sau: Cách làm thùng thổ canh cải tiến, thùng thuỷ canh cải tiến.
   Với một số loại cây ưa nước như cần, cải xong, rau muống thì không nên đục lỗ (ở đáy hoặc thành thùng xốp) nhé.
Thùng xốp đục lỗ bên thành dùng chai pet - trồng cây bằng đất
Thùng xốp đục lỗ bên sườn - dùng ống nhựa phi 21 - trồng cây bằng dùng dịch
- Về đất trồng, phân bón và cải tạo đất
   Nếu trồng rau mầm thì bạn có thể ra cửa hàng của các công ty lớn như GINO, bigC, Phú Nông,... và các cửa hàng cây cảnh để mua đất hỗn hợp (gồm mùn dừa + vi sinh + các thuốc chống nấm...). (Xem thêm: Tổng hợp địa chỉ mua vật tư trồng rau).
   Nếu để trồng rau ăn lá, rau ăn củ, quả thì không nên mua đất có sẵn ở các cửa hàng cây cảnh do giá khá cao mà cũng chỉ trồng được 01 lần đầu. Đất có tốt mấy mà không bón phân, cải tạo đất thì lần sau trồng cũng không tốt. Do đó nếu tự lấy đất được đất thì khỏi tốn tiền mua, chỉ chú trọng vào khâu làm đất và bón phân hợp lý là được.
   Cũng như trồng rau ngoài ruộng, người nông dân cần cày bừa kỹ, phơi ải đất rồi bón lót, bón thúc... thì ở nhà ta cũng làm tương tự. Đầu tiên, ta cần có một lượng đất nhất định (đất phù sa là tốt nhất), đem đập nhỏ nhưng không quá vụn rồi phơi khô (phơi ải) ít nhất 10 ngày để diệt mầm bệnh.
   Để trồng cây khỏe và lên nhanh cần một hàm lượng phân chuồng hoai như phân bò, phân cá, phân chim, phân vịt... bón bổ sung cho đất trước khi trồng và sau mỗi lần thu hoạch, cải tạo lại đất. Nếu trồng tại nhà, bạn có thể tự ủ phân cá (từ phế phẩm cá ngoài chợ) để bón cho đất có đầy đủ dinh dưỡng ban đầu cho cây. 
   Nếu không tự làm được phân cá, có thể ngâm ủ nước tiểu (nước giải)  + lân bột rồi pha loãng vào nước lã rồi tưới cho cây. Cây sẽ có tương đối đủ chất để phát triển. Với cây ăn quả thì cần bồ sung một lượng kali tương đối nhiều vào giai đoạn cây ra hoa, đậu quả. 
   Ngoài ra, các bạn có thể mua một loại phân NPK nhả chậm để dùng cũng tương đối ổn.
Lưu ý khi dùng phân bón cần ngừng sử dụng trước khi thu hoạch rau, củ, quả khoáng 10 ngày trở lên.

- Về giống: 
    Nên mua hạt của các công ty uy tín lớn như Trang Nông, Phú Nông, Nông Hữu hoặc vào các siêu thị bigC, Mediamart... (Xem thêm: Tổng hợp địa chỉ mua vật tư trồng rau).
    Nên chọn giống phù hợp với từng thời vụ, từng địa điểm gieo trồng. Cái này cực kỳ quan trọng vì nếu ta chọn giống không hợp với điều kiện khí hậu địa phương, giống không kháng một số bệnh thì cây sẽ cho năng suất thấp. 
    Một số loại rau ăn lá, gia vị bạn có thể mua cây con ngoài chợ về trồng cho nhanh. Ở Hà Nội, có thể ra chợ Bưởi (các ngày 4,9 âm lịch hàng tháng), chợ Canh (ngày 3,8 âm lịch hàng tháng), chợ Hà Đông (ngày 0,5 âm lịch hàng tháng) và các chợ lớn khác như chợ Mơ,...
    Một số loại rau, củ, quả có cả giống ngoại bạn cần cẩn thận đọc kỹ trên bao bì các thông tin quan trọng xem có hợp với khí hậu nơi mình trồng, thời vụ mình định trồng không nhé...

- Về cách gieo hạt
    Khi mới bắt đầu trồng cây, mình cũng hay gieo hạt rất dày, hạt nảy mầm được, nhưng cây lớn chậm.
Sau này để khắc phục tình trạng gieo dày, mình mua một khay gieo hạt, mỗi lỗ mình bỏ vào vài hạt, nói chung là tùy hứng. Với các hạt lớn thì dễ rồi nhưng với các loại hạt nhỏ như hạt cải, hạt rau thơm thì sau khi ngâm ta nên trộn với 1 ít tro (rơm) để gieo cho đều. 
   Trước khi gieo hạt, để hạt nảy mầm nhanh và tỷ lệ nảy mầm cao cần ngâm hạt trong nước 2 sôi 3 lạnh (khoảng 40-50 độ C) trong 2h đến 24h tuỳ loại hạt (các loại hạt đậu như cove, đậu đũa ngâm khoảng 2h, đậu rồng ngâm khoảng 10h, hạt chùm ngây ngâm nước khoảng 10h hoặc ủ trong cát ẩm...).
   Một số loại hạt có thể gieo trực tiếp trên đất trong thùng xốp hoặc chậu, một số thì nên gieo vào bầu để có cây khoẻ nhất.
   Gieo hạt xong, để khay, bầu vào chỗ mát, tưới ấm trong vài ngày. Khi nào cây lên 2 lá mầm thì để ra chỗ có ánh sáng (nắng nửa ngày). Khi cây có 2 - 3 lá thật thì bứng ra trồng ngoài đất.

- Về cách chăm sóc:
  Ánh sáng: Đa phần các loại rau đều ưa nắng nên chọn chỗ có đủ ánh sáng (tối thiểu 6h/ngày) để trồng cây mới có hiệu quả.
  Nước: Nước rất cần thiết cho cây phát triển nhưng nếu tưới nhiều quá hoặc ít quá cũng đều gây ra một số bệnh như thối rễ ở cà chua, dưa chuột... khi tưới nhiều. 
   Phân bón: Phải bón phân cân đối hợp lý, không thừa cũng không thiếu. Tuỳ từng loại cây mà có chế độ bón phân khác nhau. Tựu chung lại thì có vài lần bón như sau: bón lót trước khi trồng cây con bằng phân chuồng hoai mục, phân cá ủ hoai, phân vi sinh. Bón thúc bằng phân chuồng + phân vô cơ: đạm, lân, kali khi cây chuẩn bị ra hoa và khi cây chuẩn bị có quả. Với mỗi loại cây sẽ cần một lượng phân bón nhất định.
    Với rau ăn lá, nói chung chỉ cần tưới nước, nước tiểu ngâm lân là đủ rồi. Hoặc nếu bạn trồng cây lá lớn, có thể mua phân bón lá về bón cho cây, miễn sao trước khi thu hoạch 10 ngày thì ngừng tưới bất cứ thứ gì, trừ nước
   Với cây ăn quả, thì giai đoạn cây lớn, mình thường bổ sung NPK 1 lần/1 tuần, với lượng nhỏ thôi, một thùng xốp thì khoảng 1 thìa cafe thôi nhé (chưa đến giai đoạn ra quả ). Khi cây chuẩn bị ra hoa kết trái thì bón nhiều hơn.
   Với cây ăn củ, mình cũng bổ sung NPK như với quả, nhưng phải căn để dừng nhé, miễn sao trước thu hoạch 10-15 ngày dừng bón NPK.

- Về phòng trừ sâu bệnh:
  Vì trồng rau tại nhà nên tiêu chí là rau phải sạch, phải an toàn nên chúng ta hạn chế tối đa sử dụng thuốc trừ sâu nhé. Nếu sâu, bệnh nhiều quá mà ta không thể phòng, ngừa hết bằng biện pháp thủ công thì chỉ nên dùng thuốc trừ sâu sinh học, thảo mộc để đảm bảo an toàn. Trường hợp hãn hữu mới sử dụng thuốc trừ sâu hoá học.
   Để phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, chúng ta phải am hiểu từng loại rau mình trồng. Có như thế mới trồng rau hiệu quả, năng suất cao. Cụ thể: chúng ta phải hiểu về giống rau (của nước nào, công ty nào, tỷ lệ nảy mầm ra sao, năng suất thế nào,...), thời vụ gieo trồng (chính vụ là tháng nào), đặc tính sinh học của loại rau định trồng (ưa nóng hay lạnh, bộ rễ, khả năng chịu úng ngập hay khô hạn,...),... 
   Trong quá trình trồng và chăm sóc cây, thường xuyên tìm và diệt các loại sâu, ấu trùng, trứng sâu để hạn chế bệnh lây lan. Một số loại sâu thường hại vào ban ngày nhưng một số lại hại về ban đêm. Ví dụ, trên cây bắp cải, loại sâu nhả phân xanh thì bắt ngày hay đêm đều được. Loại sâu nhả phân đen thì khoảng 9h tối soi đèn sẽ thấy.
   Việc tưới nước, bón phân hợp lý để tránh gây ra bệnh do không cân đối về dinh dưỡng cũng rất quan trọng. Mùa hè tưới 1,2 lần/ngày; mùa đông 2 ngày/1 lần. 1, 2 tuần bổ sung phân 1 lần. Các loại cây ăn quả như dưa chuột, bầu, bí mướp... cần nhiều nước và phân nhất là vào thời kỳ ra quả, ta cần chú ý bổ sung đủ lượng nước để cây nuôi quả.
   Một số loại côn trùng hay gặp trong trồng rau là: rầy, rệp, bọ xít, sâu xanh, sâu xám, nhện đỏ, kiến, ốc, ... Một số có thể bắt bằng tay như sâu xanh, sâu khoang, sâu vẽ bùa. Còn đa phần trong các loại sâu phổ biến có thể dùng dầu khoáng SK Enspray 99EC hoặc đầu trâu Biohopper 270EC (ở Sài Gòn ra Gino nhé) là hết. Nếu không mua được dầu khoáng, chúng ta có thể tự bào chế thuốc trừ sâu sinh học:
   + Có thể dùng 1 gói thuốc lào ngâm qua đêm rồi thêm 1 thìa cà phê nước rửa chén Sunlight + 1 thìa dầu ăn rồi pha vào bình 4 lít nước đem phun cũng rất hiệu quả.  
   + Có thể dùng hỗn hợp 9 quả ớt chỉ thiên + 2 củ gừng + 3 củ tỏi giã nhuyễn rồi đem ngâm với 1 ít rượu trắng để qua đêm rồi đem phun.
Dầu khoáng SK Enspray 99EC

Dầu khoáng đầu trâu Biohopper 270EC
   Nếu sử dụng thuốc trừ sâu sinh học không hết thì nên phá bỏ đi, cải tạo lại vườn để một thời gian rồi trồng lại. Còn nếu vẫn muốn tiếp tục trồng thì sử dụng một số thuốc trừ sâu hoá học có độc tính vừa phải như confidor chuyên trị bọ trĩ, actara chuyên trị nhện đỏ,... Tuy nhiên, với thuốc trừ sâu hoá học ta phải tuân theo nguyên tắc 4 đúng bạn nhé: đúng liều lượng và nồng độ, đúng thời điểm, đúng cách và đúng thuốc.
    Để hạn chế côn trùng gây hại, ngoài các biện pháp trên chúng ta nên áp dụng triệt để các biện pháp luân canh, xen canh. Trên cùng 1 chân đất không nên trồng liên tiếp 2 vụ, ví dụ vụ này trồng cải thì vụ sau trồng hành hoặc trồng các cây họ cà. Trồng xen canh cà chua với họ rau thập tự để hạn chế sâu do lá cà chua... Ngoài ra, có thể tự làm một số bẫy côn trùng như bẫy phenon, bẫy dính, bẫy bả chua ngọt... 

- Kinh nghiệm khác
   Trồng rau trong thùng xốp cũng phải đảm bảo về khoảng cách và lượng đất (dinh dưỡng) cho từng cây. Rau ăn lá thì thùng trồng phải có lượng đất cao ít nhất 20 cm. Rau ăn quả như bầu bí mướp thì thùng càng lớn càng tốt để chứa được nhiều đất, dinh dưỡng, nước như thế mới sai quả được. 
   Có thể trồng khoảng 6-8 cây ra một thùng xốp lớn, cây sẽ lớn nhanh và cho lá lớn, tha hồ ngắm và ăn nhé. Một số loại rau có thể tỉa ăn dần như rau gia vị, một số loại rau cải, hành lá... Một số phải nhổ cả lên như xà lách,... Một số cây trồng 1 lần nhưng thu hoạch nhiều năm như rau ngót, chùm ngây,... một số chỉ thu hoạch được 1 vụ/1 lần trồng như xà lách,...
   Một điều cuối cùng là vườn rau dù có đủ phân, đủ nước mà thiếu công sức chăm bón của con người thì vườn cũng nhanh chóng tàn lụi.

Tham khảo:
- http://rausach.com.vn
- http://webtretho.com.vn
- http://caycanhthanglong.vn
- http://lamchame.com
- Kinh nghiệm cuả các tiền bối trên diễn đàn rau sạch, webtretho: Sâu rau,Van105,hientroc,bobia, baulao101

Previous Post
Next Post

post written by:

Cửa hàng Vật Tư Nông Nghiệp - Chinh Garden ra đời giúp bạn LÀM VƯỜN một cách ĐƠN GIẢN, NHANH CHÓNG và HIỆU QUẢ.

0 Comments: