Thuỷ canh không hồi lưu và cách trồng cây bằng phương pháp này
1. Thuỷ canh không hồi lưu:
1.1. Giới thiệu
   Thuỷ canh là phương pháp trồng không dùng đất mà thay vào đó là dùng dung dịch dinh dưỡng để cung cấp các chất đa, trung và vi lượng cho cây trồng. Với phương pháp này thì ai cũng có thể trồng được rau miễn là nơi đó có đủ ánh sáng và có không gian trồng, không nhất thiết là phải có đất. Do đó, có thể thấy ban công, sân thượng cũng là một địa điểm lý tưởng để trồng cây.
   Hiện nay phương pháp thuỷ canh gồm nhiều dạng: Thuỷ canh tĩnh (không hồi lưu dung dịch), Thuỷ canh động (hồi lưu dung dịch) và Khí canh.
   Trong 3 phương pháp trên thì phương pháp thuỷ canh tĩnh là một trong nhiều phương pháp thuỷ canh đã và đang được áp dụng phổ biến hiện nay do mức độ áp dụng dễ dàng, giá thành rẻ hơn so với 2 phương pháp còn lại. 
Trồng cải thuỷ tinh tĩnh - Ảnh: huongnghiep
1.2. Ưu điểm
  Thuỷ canh tĩnh có nhiều ưu điểm. Một số ưu điểm dễ nhận thấy nhất. Đó là:
- Là phương pháp ứng dụng công nghệ cao.
- Thích nghi với nhiều điều kiện trồng khác nhau.
- Giảm thiểu sức lao động so với phương pháp truyền thống, đặc biệt ở những khâu nặng nhọc như làm đất, nhổ cỏ, tưới nước, bón phân...
- Hiệu quả cao: một phần là do có thể trồng nhiều vụ trong năm, trồng liên tục và trồng gối vụ (trồng trái mùa cùng nhà kính), ít bị ảnh hưởng bởi hiện tượng trái mùa như phương pháp trồng thông thường. Phần khác là do cây được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng (khả năng này điều chỉnh rất linh hoạt với từng loại cây). Với khả năng như vậy thì năng suất tổng cộng trong năm cao gấp nhiều lần so với phương pháp trồng truyền thống là điều dễ hiểu.
- Ít sâu bệnh
- Phương pháp này cho sản phẩm là nông sản sạch, phẩm chất cao. Do chủ động hoàn toàn về chất dinh dưỡng cung cấp cho cây nên chất lượng rau đạt mức gần như tối ưu, cho phẩm chất rau tươi ngon, nhiều dinh dưỡng.

1.3. Hạn chế của kỹ thuật thủy canh
   Thuỷ canh ưu điểm nhiều nhưng nhược điểm cũng không ít. Một số nhược điểm thường thấy là:
- Hạn chế về loại cây trồng: hiện nay thủy canh chỉ mới có thể áp dụng hiệu quả cho các loại cây rau quả, hoa ngắn ngày.
- Giá thành cao do chi phí đầu tư ban đầu về mặt hoá chất, nhà kính, thiết bị đo đạc,... cũng như chưa làm chủ được hoàn toàn công nghệ nên.

2. Cách trồng cây bằng phương pháp này như sau:
2.1. Vật liệu
- Có thể trồng trên nhiều loại vật liệu như thùng xốp, thùng sơn, bình nhựa 5 lít,... Tuy nhiên, để hiệu quả nên chọn trồng trên thùng xốp vì giá thành rẻ, rộng rãi, giữ nhiệt tốt và sạch sẽ.
- Nylon đen hay màng phủ nông nghiệp để phủ lót thùng xốp nhằm mục đích giữ nhiệt, tạo môi trường tối để rễ cây phát triển tốt nhất.
- Rọ nhựa chuyên dụng hoặc đơn giản có thể sử dụng loại cốc dùng 1 lần bán theo lô giá rẻ rồi đục lỗ xung quanh cho rễ cây đâm ra và lót lưới xung quanh tránh giá thể rơi ra dung dịch.
- Giá thể như trấu hun, xơ dừa, mùn dừa, mút xốp, sỏi nhẹ...
- Hoá chất và nước sạch để pha hoặc dung dịch dinh dưỡng bán sẵn trên thị trường.
Mặt trên thùng xốp - khoét lỗ vừa các rọ nhựa


Rọ nhựa chuyên dụng

Rọ nhựa dùng 1 lần, đục lỗ tròn

2.2. Cách làm
- Tìm địa điểm
  Đặt trực tiếp trên sàn ban công, sân thượng hay bất cứ chỗ nào có đủ ánh sáng và không gian cần thiết.
  Tốt nhất nên làm giá đỡ bằng gỗ, tuýp nước hay thép chữ V bán sẵn trên thị trường. Nếu không tự làm được có thể nhờ thợ làm giúp. Mục đích làm giá vừa sạch, đẹp lại vệ sinh dễ dàng.
- Làm nhà lưới
  Để có hiệu quả cao nhất (năng suất cao, ít tốn công bắt sâu, phun thuốc thì nên mua lưới để che chắn côn trùng xung quanh và tránh mưa nặng hạt bên trên. 
- Lót nylon đen, khoét lỗ hộp xốp
  Hộp xốp phải được lót nylon đen vào đáy và xung quanh hộp trước khi đổ nước vào hộp. Nylon đen có tác dụng giữ dung dịch và tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của rễ cây.
  Tiến hành khoét lỗ để đặt rọ trồng. Số lỗ tùy theo mật độ trồng và loại cây. Với cây cà chua thường khoét từ 2-4 lỗ, cây rau diếp, xà lách có thể khoét 6-9 lỗ, rau muống rau cải có thể khoét 9 - 12 lỗ tùy từng loại rau. Lỗ khoét có đường kính bằng với đường kính rọ nhựa.
- Cho giá thể vào rọ
   Sau khi khoét lỗ, lấp đầy giá thể vào rọ nhựa. Nếu dùng trấu hun hoặc xơ dừa thì phải lót lưới vào trong giọ nhựa trước khi cho giá thể vào rọ. Nhúng cả rọ và giá thể vào nước sạch để những vụn nhỏ bị cuốn ra khỏi rọ. Tránh trường hợp khi tưới chúng rơi xuống vào dung dịch dưới thùng gây căn bẩn.
- Cho rọ nhựa vào lỗ
   Lắp vào lắp thùng mỗi lỗ 1 rọ rồi đậy lắp vào thùng.

2.3.Dung dịch
- Dùng dung dịch bán sẵn nếu trồng ít
- Nên mua hoá chất và học cách pha trên mạng theo công thức có sẵn.
   Tại sao lại nên tự pha hoá chất vì dung dịch bán sẵn thường là loại pha để dùng cho nhiều loại cây. Mỗi loại cây lại cần một công thức riêng để cho kết quả tốt nhất. Công thức cho từng loại cây và thích hợp với khí hậu Việt Nam các bạn có thể tự tìm trên mạng. Những công thức này đã được chuẩn hoá nhờ vào công thức của nước ngoài cộng với kinh nghiệm của những bậc tiền bối trong phương pháp trồng rau sạch thuỷ canh.
Dung dịch thuỷ canh bán sẵn

2.4. Trồng cây
   Có thể trồng cây trực tiếp từ hạt hoặc từ cây con. 
   Nếu gieo hạt cần làm ẩm giá thể để đảm bảo sự duy trì độ ẩm cho hạt. Hạt trước khi đem gieo có thể ngâm trong nước ấm  (2 sôi 3 lạnh) khoảng 30 phút đến vài tiếng (tuỳ từng loại hạt) để quá trình nảy mầm diễn ra tốt hơn. Sau khi ngâm, vớt hạt ra rồi để ráo nước đem gieo. Mỗi rọ 1-2 hạt vào trong giá thể sâu khoảng 0,5-1cm hoặc phủ 1 lớp trấu hun ướt để cung cấp độ ẩm cho hạt giống.
   Nếu trồng từ cây con thì tách lấy cây từ bầu gieo hạt chuyên dụng rồi cho vào rọ trồng bình thường như khi trồng cây ngoài đất. Phương pháp này có ưu điểm hơn gieo hạt trực tiếp.
   
2.5. Chăm sóc
   Từ khi gieo đến khi rễ cây có khả năng hút dung dịch cần chú ý phun tưới thường xuyên để giữ đủ ẩm cho hạt nảy mầm. Nếu trời quá lạnh, có xương muối hoặc quá nắng nóng đều phải che phủ cho cây.
Khi cây bắt đầu bén rễ có khả năng hút dinh dưỡng thì có thể tiến hành đổ dinh dưỡng vào thùng, khuấy cho dinh dưỡng phân tán đều trong thùng.
   Nên sục khí làm thoáng dung dịch (hoà trộn oxi vào dung dịch) vài ngày 1 lần, như thế cây sẽ phát triển tốt hơn.
   Để cây trồng phát triển tốt và an toàn đối với sức khoẻ con người, cần thường xuyên thăm/đo nồng độ dung dịch, pH, EC để điều hoà các chất có trong dung dịch. Tuỳ từng giai đoạn của cây mà tăng giảm nồng độ dung dịch (ppm) cho hợp lý. Ví dụ giai đoạn cây 2,3 lá thật thì dung dịch là bao nhiêu, khi cây có 5 - 10 lá thật (cây ăn trái) thì dung dịch bao nhiêu, khi ra hoa thế nào, khi nuôi quả ra sao... Để làm được việc này chúng ta cần nắm vững kiến thức về nồng độ dung dịch cho cây mình trồng trong từng thời kỳ và nhất thiết phải có thiết bị đo (bút do TDS, EC, giấy quỳ,...).
Bút TDS đo nồng độ dung dịch
Giầy quỳ đo pH trong dung dịch
   Với những cây ăn quả cần làm giàn cho cây khi có tua móc (bầu, bí, dưa, cà chua...) bằng các vật liệu như dây nilon, tre, nứa... Khâu này cần làm thật cẩn thận.
   Trong suốt quá trình phát triển của cây cần thường xuyên thăm nom quan sát tình hình sâu bệnh hại để phát hiện và có biện pháp phòng trừ sớm. Nói chung chỉ bắt bằng tay là hết vì trồng thủy canh rất ít sâu bệnh.
   
Previous Post
Next Post

post written by:

Cửa hàng Vật Tư Nông Nghiệp - Chinh Garden ra đời giúp bạn LÀM VƯỜN một cách ĐƠN GIẢN, NHANH CHÓNG và HIỆU QUẢ.

0 Comments: