1. Nhu cầu cải tạo vườn
Mỗi gia đình, để có được một mảnh vườn với đầy đủ các loại rau, quả cho năng suất cao, phẩm chất tốt, đáp ứng cho nhu cầu hàng ngày của gia đình và có dư thừa để bán tăng thu nhập. Người làm vườn cần phải biết cách lập và cải tạo vườn.
Mô hình vườn rau gia đình - Ảnh: minh hoạ |
Bài viết dưới đây trình bày một số vấn đề cần lưu ý:
- Cần xác định được những loại cây trồng chính trong vùng. Dựa trên điều kiện tự nhiên như đất đai, địa hình, khí hậu... để bố trí cây trồng trong vườn sao cho thích hợp.
- Chọn giống thích hợp, giống tốt, sạch bệnh để trồng.
- Kiểm tra độ màu mỡ, phì nhiêu của đất vườn.
- Tiến hành tỉa bỏ những cây có tán lớn, ra quả ít, giá trị kinh tế thấp.
- Thực hiện biện pháp luân canh, xen canh đa dạng cây trồng để tiết kiệm diện tích và tận dung tối đa đất trồng.
- Mục đích sử dụng sản phẩm từ cây trồng khi thu hoạch...
2. Cách cải tạo vườn.
Khi tiến hành cải tạo vườn, cần xem xét các yếu tố như: đất, nước, phân bón, giống cây trồng và các biện pháp canh tác, bảo vệ thực vật, để từ đó đưa ra các phương pháp, cách thức cải tạo sao cho phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất.
2.1. Đất
Trong trồng trọt, đất được coi là nền tảng của cây trồng, đất nào cây ấy. Vì vậy, phải biết cải tạo và sử dụng đất, chọn cây trồng thích hợp với đất, biết thâm canh để cải tạo vườn rau.
Việt Nam là một nước nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, thuận lợi cho trồng rau với nhiều chủng loại rất đa dạng, phong phú như: rau ăn củ, ăn quả, rau ăn lá, ăn hoa, rau gia vị, rau làm thuốc... Mỗi một loại rau có thời gian sinh trưởng và phát triển khác nhau, có loại ngắn ngày, có loại dài ngày, có loại trồng một lần cho thu hoạch nhiều năm.
Môi trường sinh sống của mỗi loại rau cũng khác nhau, có loại rau sống ở những nơi có nước liền chân, có loại rau sống ở trên đất cao ráo, có loại thân bò trên mặt đất và có loại thì thân leo... Nhưng với bất kỳ một loại rau nào, người trồng rau phải biết được đặc tính sinh học và yêu cầu ngoại cảnh của nó để có cách thức trồng và canh tác sao cho hợp lý.
Yêu cầu đối với đất trồng rau phải là đất tốt, nhiều màu, tầng đất canh tác dày, thoát nước nhanh và có khả năng thấm nước cao (đối với rau trồng cạn), giữ được nước liền chân (đối với rau trồng ở nước).
Đất trồng vụ này sang vụ khác, cùng với sự tác động của tự nhiên, đất đai bị bạc màu, rửa trôi... vì thế phải tiến hành cải tạo dất, để có đất tốt thích hợp trồng rau.
Cải tạo đất - Ảnh minh hoạ |
* Cải tạo đất
Với đất cát khó giữ ẩm, mùa khô hạn cây dễ bị chết, cần bố trí cây trồng thích hợp và tăng lượng phân hữu cơ (đặc biệt là phân chuồng hoai mục).
Với đất nặng, nhiều sét, cần thêm đất cát pha, đất phù sa và bón nhiều phân hữu cơ.
Với đất nhẹ, bón phân hữu cơ, bùn ao phơi khô và đập vụn.
Với đất chua mặn, bón nhiều phân hữu cơ, vôi bột và phân N, P, K hợp lý.
Với đất gò, đồi dốc, tiến hành san đất, tạo thành ruộng bậc thang.
Trong đất có nhiều sỏi, đá,... cần phải được nhặt bỏ, diệt trừ cỏ dại tận gốc, tạo mặt bằng trong vườn để dễ trồng và tiện chăm sóc. Cần phải được lên luống đều và thẳng.
2.2. Nước
Cẩn phải đảm bảo nguồn nước để tưới cho cây. Đối với những gia đình có vườn ở gần sông, suối, kênh, mương thì vấn đề nước không đáng lo ngại. Nhưng đối gia đình ở xa nguồn nước, cần phải tạo lập nguồn nước bằng cách đào ao để dự trữ nước tưới cây và còn giữ ẩm cho đất.
Chăm sóc cây - tưới nước bằng vòi phun mưa - Ảnh minh hoạ |
Cây rau trong suốt thời gian sinh trưởng và phát triển luôn cần một lượng nước nhất định để giúp cho việc hút chất dinh dưỡng nuôi cây và quang hợp tốt. Tuy nhiên trong quá trình tưới nước cần nắm bắt được từng giai đoạn phát triển của cây, để có chế độ tưới nước thích hợp. Thừa nước hay thiếu nước, cây sẽ phát triển không bình thường, thậm chí có thể bị chết.
Yêu cầu nước tưới phải sạch, không chua mặn. Đối với cây rau ăn lá, nên tưới theo kiểu phun mưa bằng bình tưới có gương sen, còn đối với rau ăn quả thì tưới vào gốc.
Thông thường, sau khi gieo hạt và lấp lên trên hạt giống rau một lớp đất bột mỏng hay là sau khi trồng cây giống, cần phải tưới nước để đảm bảo cho hạt nảy mầm, cây bén rễ được tốt.
Những đêm có sương muối, sáng ra phải tưới nước lên lá để rửa sương muối, đảm bảo cho cây phát triển tốt.
Tưới cây nên tưới vào buổi sáng sớm hoặc xế chiều. Chú ý với từng loại đất, mức độ thấm hút nước và giữ nước là khác nhau.
Tưới nước cho cây cũng đòi hỏi những cách thức cụ thể hợp lý. Tưới nước nhiều cây bị ngập úng, tưới ít nước thì không đảm bảo cho cây sinh trưởng và phát triển. Công cụ để tưới cũng cần phải lựa chọn, tránh làm rửa trôi lớp đất màu mỡ, phì nhiêu khi tưới nước.
2.3. Phân bón
Trong quá trình cải tạo vườn, luôn luôn phải chú ý tới phân bón. Bón phân cho cây trồng nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm của cây tồng. Nhưng phải bón sao cho hợp lý, không ảnh hưởng đến đất đai và những vụ canh tác về rau.
Tự sản xuất phân bón hữu cơ - Ảnh: Baodaclac |
* Bón phân hợp lý.
Là việc sử dụng năng lượng phân bón thích hợp bón cho cây đảm bảo tăng năng suất cây trồng với hiệu quả kinh tế cao nhất, không để lại hậu quả xấu lên nông sản và môi trường sinh thái. Để bón phân hợp lý, người làm vườn cần nắm bắt được những vấn đề cơ bản sau:
- Bón phân đúng lúc, đúng loại:
Cây trồng trong thời gian sinh trưởng và phát triển có những thời điểm cần lượng phân và loại phân khác nhau. Vì vậy, cần phải bón đúng lúc, đúng loại mới đem lại hiệu quả cao. Bón phân không nên bón tập trung trong một thời điểm, mà cần phải chia ra làm nhiều giai đoạn. Đối với giai đoạn cây sinh trưởng và phát triển mạnh, cần bón với lượng phân nhiều hơn. Bón phân với nồng độ và liều lượng quá cao, cây không thể sử dụng hết, lượng phân sẽ bị hao hụt nhiều và có thể gây ra nhiều tác hại xấu đối với đất đai, cây trồng.
Hiện nay, có rất nhiều loại phân bón. Nhưng không phải cây nào, giai đoạn nào cũng có thể bón được. Cho nên trước khi bón cần căn cứ vào đặc tính, giống cây, đất đai... có như vậy mới phát huy được hiệu quả của việc bón phân.
Thời tiết, mùa vụ có ảnh hưởng đến hiệu quả của phân bón. Vì vậy, khi tiến hành bón phân cần phải căn cứ vào thời tiết, mùa vụ.
Nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa và có sự phân hoá: Bắc - Nam, theo mùa, theo độ cao. Đối với những loại cây trồng ngắn ngày, một năm có thể sản xuất được nhiều vụ. Tuy vậy, mỗi vụ cây trồng lại có đặc điểm sinh trưởng và phát triển khác nhau, nhu cầu đối với tác động của từng yếu tố dinh dưỡng cũng khác nhau. Chính vì thế cần phải lựa chọn phân bón và bón đúng thời tiết, mùa vụ mới đạt hiệu quả.
Ví dụ: Bón phân vào thời điểm có lượng mưa lớn, mưa nhiều, rất dễ bị rửa trôi, gây lãng phí. Bón phân vào thời điểm nắng gắt cùng với sự tác động của các hạt phân bón có thể gây cháy lá, hỏng hoa, quả...
- Bón phân đúng cách:
Có nhiều cách thức bón phân: bón vào hố, vào rãnh, rải trên mặt đất, bón lót, bón thúc (thúc đẻ nhánh, thúc ra hoa, thúc kết trái, thúc mẩy hạt...). Trước khi bón cần căn cứ vào diện tích, kích thước luống, giống cây trồng, đất trồng... để có cách thức bón phân hợp lý.
Bón phân là khâu quan trọng không thể thiếu được đối với người làm vườn. Nên phải có cách thức bón phân hợp lý, cây trồng mới cho năng suất cao.
- Bón phân cân đối:
Cây trồng trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển có những nhu cầu dinh dưỡng khác nhau, sống trên các loại đất khác nhau cũng có nhu cầu về chất dinh dưỡng khác nhau. Các nguyên tố dinh dưỡng cho cây trồng cần phải được cân đối hợp lý, các loại nguyên tố ảnh hưởng dư thừa cũng không thể thay thế nguyên tố thiếu hụt khác.
Trong việc cải tạo vườn gia đình, bón phân cân đối giúp cho việc ổn định và cải thiện độ phì nhiêu của đất, bảo vệ đất, chống rửa tổi, xói mòn. Bên cạnh đó còn tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm cây trồng, nâng cao hiệu quả của phân bón và các biện pháp kỹ thuật canh tác khác. Bảo vệ tốt nguồn nước, khí thải độc hại gây ô nhiễm môi trường.
- Xử lý trước khi đem bón:
Trong việc cải tạo đất trồng và chăm sóc cây trồng không thể thiếu phân chuồng. Nó làm tăng độ màu mỡ, phì nhiêu cho đất và nâng độ dày tầng đất canh tác, giữ và bảo đảm chất dinh dưỡng lâu bền nuôi cây. Bởi vậy, khi cải tạo vườn và trồng trọt phải sử dụng phân chuồng. Nhưng phân chuồng trước khi đem sử dụng cần phải được xử lý bằng cách phương pháp thông thường như sau:
+ Ủ phân: Là biện pháp cần thiết trước khi đem phân ra bón vườn. Vì trong phân chuồng tươi có lẫn hạt cỏ dại, nhiều kén nhộng, côn trùng, nhiều bào tử ngủ nghỉ của nấm, xạ khuẩn và tuyến trùng gây bệnh.
Ủ phân có tác dụng sử dụng nhiệt độ cao trong quá trình phân huỷ chất hữu cơ để tiêu diệt cỏ dại và mầm mống bệnh sâu bệnh, côn trùng vừa thúc đẩy quá trình phân huỷ chất hữu cơ. Ủ phân làm cho trọng lượng phân chuồng giảm xuống, nhưng chất lượng lại tăng lên. Sau quá trình ủ phân, người làm vườn thu được phân ủ (phân hữu cơ). Trong phân ủ có mùn, một phần chất hữu cơ chưa được phân huỷ, muối khoảng, các sản phẩm trung gian của quá trình phân huỷ, có một lượng Enzym, chất kích thích và các loài vi sinh vật hoại sinh.
+ Phương pháp ủ nóng:
Bước 1: Phân gia súc mới thải ra, đem bỏ vào bể, hố chứa đã xây dựng sẵn, có nền không thấm nước (không được nén). Sau đó tưới nước phân lên và giữ độ ẩm trong đống phân 60 - 70%.
Bước 2: Trộn từ 1 - 2% supe lân để giữ đạm.
Bước 3: Lấy bùn ao phủ bên ngoài đống phân.
Bước 4: Hàng ngày tưới nước phân lên đống phân.
Ưu điểm: Ủ nóng có tác dụng tiêu diệt hạt cỏ dại, loại trừ các mầm mống gây bệnh. Ủ phân sau 30 - 40 ngày có thể sử dụng được.
+ Phương pháp ủ nguội.
Bước 1: Phân gia súc thải ra, đem xếp thành lớp và nén chặt.
Bước 2: Trên mỗi lớp phân chuồng, rắc khoảng 2 % phân lân.
Bước 3: Lấy đất bùn phơi khô đập nhỏ hoặc đất bột phủ lên và nén chặt.
Lưu ý:
Chiều cao, chiều dài và chiều rộng của đống phân phụ thuộc vào lượng phân chuồng có sẵn nên khi xếp phân xong, lấy bùn ao phủ bên ngoài đống phân.
Sau khoảng thời gian 5 - 6 tháng, phân có thể sử dụng được. Phân ủ bằng phương pháp ủ nguội cho chất lượng tốt hơn khi phân ủ nóng.
Ngoài 2 phương pháp ủ phân trên đây, còn có phương pháp ủ nóng trước, ủ nguội sau, những phương pháp này tốn nhiều công đoạn. Hơn nữa với vườn gia đình, sử dụng phương pháp ủ nóng hay ủ nguội là được.
Nguồn:
Theo Hà Thị Hiến
0 Comments: