Hôm nay, tụi miềng kết thúc đợt làm việc từ Dự án EFD của Oxfam và CSIP. Nhóm đánh giá của EFD đã đi xuống phỏng vấn một số nông dân liên kết cùng Cam Vinh Kỳ Yến để hiểu rõ hơn những suy nghĩ của họ đặc biệt là với mô hình trồng cam sinh thái.
Điều đầu tiên, miềng thấy rằng, ít nhất cụm từ Cam Sinh thái đã được nhiều nông dân xung quanh farm của tụi miềng biết tới và nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Chị Anh, người có nhà ngay đối diện Vườn sinh thái Cam Vinh Kỳ Yến và cũng là một trong những công nhân của vườn chia sẻ rằng: Làm ở vườn của chị Na gần 2 năm nay, tôi chứng kiến rõ ràng là vườn chị không dùng phân bón hóa học hay phun thuốc BVTV gì cả mà quả cam vẫn đẹp, chắc, ngon ngọt. Vườn tôi cách đây 3 năm là bắt đầu cho thu hoạch, mỗi năm tôi đầu tư hết 100 triệu. Nhưng sau 3 năm cây tàn, cam toàn ngơ với rụng hết, tiền thu hoạch không đáng bao nhiêu, năm ngoái tôi còn phải đổ quả cam ngơ vì không ai mua, thu không đủ bù chi. Năm nay tôi chán quá, tôi làm theo vườn chị Na, chỉ bón mỗi phân chuồng và chỉ phun 2 lần thuốc thay vì 10 lần/năm. Chi phí tôi giảm còn có 1/2, mà bỗng nhiên cam xanh tốt trở lại, tôi không nói điêu, ai ở đây biết cũng hỏi: Bà Anh bón phân gì mà cam xanh trở lại vậy?
Gia đình tôi may mắn là ở gần vườn chị Na không phun thuốc độc hại nên đỡ ảnh hưởng sức khỏe. Tôi thấy làm vậy vừa sạch, vừa nhàn lại vừa đỡ tốn kém, còn chất lượng thì hết năm nay sẽ kiểm chứng. Trước mắt là vậy nhưng sau này tôi cũng sẽ hướng đến dần dần làm hoàn toàn sinh thái như vườn chị Na.
Hôm qua, có người đến đây chơi ngồi nói chuyện, lại hỏi tôi bón gì mà cam xanh trở lại, tôi kể chuyện làm vườn sinh thái giống chị Na người ta không tin vì nhìn ngoài thấy vườn chị Na xơ xác. Tôi mới bảo đó là do vườn chị na xen cây cam Canh không hợp mà chưa chặt, chứ cam Vinh thì rất tốt, quả sai, đẹp. Người đó không tin lời tôi nên nhân thể vườn đang mở cổng liền đi vào tham khảo thì thấy quả đúng thật như vậy.
Anh Đồng, là môtk hộ nông dân trồng cam VietGap theo tụi miềng từ 2015 đến nay cũng trả lời phỏng vấn chân chất như này: Làm như chị Na thì cần có thời gian, và có sự chuẩn bị, ví dụ phân thì phải ủ từ trước thậm chí 3 - 6 tháng, phải trồng trỉa ví dụ đậu tương từ mùa trước để mùa sau có bón. Chứ cần cái có luôn là không được. Nên chúng tôi chỉ có chuyển đổi dần dần chứ không làm ngay được. Như vườn tôi giờ là không bón phân hóa học nữa, chỉ bón phân chuồng, ngâm đậu tương tưới, sắp tới tôi ủ thêm phân cá giống chị Na nữa. Nhưng thuốc BVTV tôi vẫn phải dùng, chỉ là ít dần đi thôi, tôi cũng nhờ chị Na mua những thuốc an toàn như dung dịch tỏi để phun chứ cũng không giám phun thuốc độc hại nữa.
Hình ảnh vườn cam dưới đây là của mẹ miềng, một người có kinh nghiệm và kiến thức trồng cam khá uyên thâm. Hồi đầu mẹ miềng luôn ngao ngán với Vườn sinh thái của miềng, nhưng giờ thì đã dần thay đổi, vườn mẹ dường như dùng chủ yếu là phân chuồng, phân hữu cơ, cỏ được cuốc (vẫn ko chịu nghe theo miềng) và tấp vào gốc cam. Chỉ có điều vườn mẹ vẫn dùng thuốc BVTV dù là sinh học và vi sinh chứ không độc hại. Nhưng chiều hôm trước, mẹ đã chịu ngồi thật lâu để nghe miềng giải thích về cơ chế để cỏ dại và tăng cường dinh dưỡng cho cây bằng cỏ dại, rác thực vật, hữu cơ, về đa canh so sánh với độc canh ... Và mới đây, mẹ còn mua được 1 cái vườn để làm sinh thái luôn rồi!
Vâng, sau 2 năm thực hành và ra rả truyền thông về cam sinh thái, đến nay, team Cam Vinh Kỳ Yến tụi miềng đã được coi là đạt được những thành tựu nho nhỏ. Thành tựu đó chính là từ phía những người nông dân đang đi cùng tụi miềng.
Nói về miềng, nhiều thứ bỉ bai, chê bôi cái vườn của miềng lắm! Ai cũng nghe bảo, nghe nói rồi kết luận thôi! Nhưng miềng kệ, duyên ai đến thì bén, lữ khách thoáng qua thì dù có đập 100 lần vào mắt cũng chỉ nhìn mà cười kiểu: "Nó còn bắt sâu cho cam kia kìa! Hahaha". /
Bài viết từ 15/8/2018.
0 Comments: