Chung tầm nhìn, chung niềm tin, niềm đam mê và đều là những phụ nữ đã trải qua thành công cũng như thất bại trên thương trường đủ để có cái nhìn trầm tĩnh hơn trước mọi biến cố, chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, Giám đốc công ty TNHH Lavite Việt Nam, cùng 3 cộng sự đã từng bước vượt qua khó khăn, cho ra đời dược liệu quý đông trùng hạ thảo theo công nghệ Nhật Bản và dây truyền sấy trái cây sạch.
Muốn đi xa hãy đi cùng nhau
Tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành công nghệ sinh học, hơn 10 năm sống, hít thở, làm bạn với nông dân, với các chuyên gia trong và ngoài nước về lĩnh vực nông nghiệp, chị Tuyết hiểu rất rõ vấn nạn vệ sinh an toàn thực phẩm cùng những mong muốn vượt sức của người nông dân. Chị muốn giúp họ tham gia chuỗi nâng cao giá trị nông sản, đồng thời tạo ra những sản phẩm bảo vệ sức khỏe để giảm bớt tác động hóa chất lên cơ thể con người.
Năm 2015, chị Tuyết gặp 3 cộng sự mới, 2 trong số họ đang có dự án cũ khó khăn mà chị tạm gọi là kế hoạch “gánh thanh long ra chợ Tây”, kế tiếp là dự án đông trùng hạ thảo. Cả hai đều là lĩnh vực chị đam mê nên quyết định dồn hết tiền tích góp được vào đầu tư.
Hơn 10 năm khởi nghiệp từ khi ra trường, gần như không có dự án nào làm một mình nên chị rất tâm đắc câu “muốn đi xa hãy đi cùng nhau”.
Đồng lòng vượt qua khó khăn
Với phương châm tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng, giá thành phù hợp, chị Tuyết cùng các cộng sự thống nhất trực tiếp kiểm soát quy trình từ nghiên cứu, nguyên lieu đầu vào, nuôi trồng, chế biến đến phân phối. Điều này đồng nghĩa với việc phải đối mặt với vô vàn thách thức bởi sản phẩm đều đang trong quá trình thử nghiệm và việc nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo bao hàm cả ngành công nghệ sinh học, đòi hỏi rất nhiều chất xám cũng như vốn đầu tư.
Nhờ kinh nghiệm lâu năm trong ngành, chị Tuyết mày mò tìm hiểu các tài liệu khoa học và quyết định áp dụng công nghệ Nhật Bản vào việc nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo. Tuy nhiên do môi trường, khí hậu khác nhau nên phải sau gần 2 năm, tiêu tốn không biết bao nhiêu chi phí cho công tác thí nghiệm, đội của chị mới tạo ra được quy trình chuẩn cho sản phẩm.
Từ việc trồng dâu sạch lấy lá nuôi tằm, nuôi tằm lấy kén rồi sử dụng kén tằm cổ vàng cùng một số nguyên liệu hữu cơ khác để làm nền cấy Đông trùng hạ thảo. Sau đó thân nấm được thu hoạch và sản xuất thành phẩm.
Mảng trái cây sấy cũng là một thách thức không nhỏ với toàn đội. Lavite là đơn vị đầu tiên làm thanh long sấy dẻo mà không có đường, chất phụ gia, chất bảo quản. Trong số các loại trái cây sấy, sấy thanh long là một bài toán khó vì thanh long tiết nhựa, xơ, keo tụ bề mặt nên khô ngoài chưa chắc đã khô trong. Quá trình tiếp thị sản phẩm ra nước ngoài cũng gặp nhiều trắc trở do sản phẩm mới lạ, khách hàng chưa có thói quen sử dụng.
Cùng lúc chi phí sản xuất gia tăng, thử nghiệm liên tiếp thất bại thì nợ từ các dự án cũ vẫn còn đeo bám, khó khăn mỗi ngày thêm chất chồng… nhưng rồi bằng niềm tin: Tin vào những gì mình đang làm, tin vào nhau, 4 người phụ nữ kiên định đã từng bước tháo gỡ khó khăn.
Thành quả và mục tiêu
Hiện công ty đã nuôi trồng thành công nấm đông trùng hạ thảo với giá chỉ bằng 1/10 so với đông trùng hạ thảo tự nhiên (1 kg đông trùng hạ thảo tự nhiên có giá 2 tỷ đồng). Sản phẩm đảm bảo tiêu chí sạch, hàm lượng dược chất cao. Các nguyên liệu tươi đầu vào thuộc các mảng sản xuất tại Lavite Việt Nam đều đạt chứng nhận Global G.A.P, nhà xưởng đạt chứng nhận ISO 22000, FDA.
Ngoài việc phân phối sợi nấm khô cho một số công ty dược phẩm, các nhãn hàng riêng, hiện còn có 3 dòng sản phẩm khác mang thương hiệu Hector là Viên uống Đông trùng hạ thảo 100%, Nước uống đông trùng hạ thảo với Collagen và nước đông trùng hạ thảo với thảo dược.
Các sản phẩm sấy khô của Lavite đã xuất sang thị trường Mỹ, Canada, Hàn Quốc và vẫn đang tiếp tục mở rộng sang nhiều quốc gia khác. Tại Việt Nam, sản phẩm được phân phối qua các resort cao cấp, đồng thời bán online để nhận phản hồi trực tiếp từ khách hàng.
Kế hoạch 2018 là giới thiệu đông trùng hạ thảo Hector cho người tiêu dùng Việt Nam kèm theo các thông tin chính thống, khoa học. Sản phẩm sẽ được phân phối qua hệ thống nhà thuốc và các shop truyền thống. Tiếp theo là hướng tới xuất khẩu, định hướng một số thị trường phù hợp mà trước tiên là Mỹ.
Với mong muốn được đóng góp cho một nền nông nghiệp không hóa chất, mô hình nuôi cấy không hóa chất sẽ được bàn giao cho nông dân sau khi thử nghiệm thành công nhằm thúc đẩy người nông dân mở rộng hình thức canh tác mới, thúc đẩy tinh thần phụ nữ khởi nghiệp, chị Tuyết đã được chọn đi Úc trong chương trình Australia – Vienam Capacity Building Forum form Women Entrepreneurs in Agrifood Business vì tính sáng tạo của sản phẩm.
Tường Linh
Bài gốc: Phunuvietnam.net
0 Comments: