Bưởi đỏ tiến vua hết hàng trước Tết
Một quả đẹp có giá 400.000-500.000 đồng, bưởi đỏ tiến vua làng Luận Văn được khách thập phương săn đón, đặt hàng từ tháng 9, tháng 10 âm lịch.
Làng Luận Văn, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa là nơi duy nhất trong cả nước còn trồng được giống bưởi đỏ, loại được dùng để tiến vua vào thời hậu Lê.
Bưởi Luận Văn được ưa chuộng không chỉ bởi thương hiệu xưa nay mà đặc biệt có vị chua ngọt và có mùi thơm đặc trưng. Loại quả đặc sản này được người dân chọn cho mâm ngũ quả ngày Tết. Người dân quan niệm, quả bưởi Luận Văn có màu đỏ sẽ đem lại may mắn, thịnh vượng trong năm mới.
Bưởi đỏ tiến vua hết hàng trước Tết
Bưởi đỏ tiến vua quý hiếm được chăm sóc khá công phu. Ảnh: N.D.
Ông Nguyễn Văn Thêm, một người trồng bưởi lâu năm cho hay, bưởi non cũng có màu xanh, nhưng khi già thì quả bắt đầu chín và đỏ từ trong ruột ra vỏ.
Loại bưởi này có thể bảo quản được khoảng 2 tháng kể từ khi cắt khỏi cây. Một cây nếu chăm sóc tốt đến năm thứ 6-7 có thể cho khoảng 100 quả.
Những năm gần đây, vùng bưởi đỏ xứ Thanh đang trên đà phục hồi nên sản lượng cung cấp ra thị trường còn hạn chế. Từ tháng 9, tháng 10 âm lịch, khách khắp nơi đã đặt hàng cho dịp Tết.
 “Nếu mua ngang cả cây thì bình quân 100.000 đồng một quả. Trên cây có thể phân ra làm nhiều loại: có quả giá 70.000-100.000 đồng, quả đẹp có giá khoảng 200.000 đồng. Một đôi quả đẹp có giá 400.000-500.000 đồng”, ông Thêm chia sẻ.
Bưởi đỏ tiến vua hết hàng trước Tết
Bưởi đỏ Luận Văn quý hiếm có giá rất cao được bán vào dịp Tết cổ truyền. Ảnh: N.D.
Ngoài gia đình ông Thêm, ở làng Luận Văn, ông Lê Viết Huấn (63 tuổi) cũng là người nổi tiếng trồng bưởi tiến vua.
Hiện gia đình ông có hơn 20 gốc, mỗi gốc cho vài chục quả. Lượng bưởi này hầu hết đã có chủ. 
Toàn xã Thọ Xương có khoảng 5 ha bưởi Luận Văn, trong đó 3 ha trồng chuyên canh theo mô hình vườn đồi, 2 ha còn lại được trồng xen canh trong vườn các hộ gia đình.




Previous Post
Next Post

post written by:

Cửa hàng Vật Tư Nông Nghiệp - Chinh Garden ra đời giúp bạn LÀM VƯỜN một cách ĐƠN GIẢN, NHANH CHÓNG và HIỆU QUẢ.

0 Comments: