Cây sen lục bình có tên khoa học là Atropha podagrica Hook thuộc họ Euphorbiaceae (họ Thầu dầu) có nguồn gốc từ Trung và Nam Mỹ.
Mặc dù cũng có tên là hoa sen nhưng không phải được trồng dưới nước mà kỹ thuật trồng hoa sen lục bình lại ở trên cạn. Cây có đặc điểm lạ, hoa màu đỏ đẹp mắt. Lá của cây xanh quanh năm.
Sở dĩ nó có tên gọi là sen lục bình bởi gốc cây phình to như cái lọ, xù xì màu nâu. Ở nước ta hiện nay, cây được trồng khá phổ biến để làm cây cảnh trang trí. Nó có thể trồng để làm đẹp cho hòn non bộ, ban công hay sân vườn. Ngoài trồng làm cảnh, sen lục bình còn có ý nghĩa mang lại vượng tài xua đuổi tà khí cho không gian xung quanh nhà cực tốt. Thậm chí cây này còn có tác dụng trị bệnh rất tốt.
Cây sen lục bình còn có tên là cây ngô đồng cảnh, cây dầu lai có củ, cây dầu lai sen.
Đất trồng thích hợp nhất của sen lục bình
Cây sen lục bình ưa phát triển trên nền đất màu mỡ, giàu mùn, có cát và thoát nước tốt. Thành phần tốt nhất là lấy đất sẵn hoặc trộn đất trồng với xơ dừa, chấu, tro, cát, xỉ than đập vụn, sỏi nhỏ để trồng cây.
Cách trồng và chăm sóc cây sen lục bình
Cây sen lục bình cảnh thường được nhân giống bằng hạt. Hạt giống bạn có thể tìm mua ở các cửa hàng bán cây cảnh. Để tiết kiệm thời gian bạn có thể mua sẵn cây giống về trồng.
Trước khi tiến hành gieo trồng cần phải ngâm hạt giống sen lục bình trong nước ấm khoảng 30 phút (2 sôi 3 lạnh) và ủ vào khăn ấm khoảng 1 ngày hạt nứt thì đem gieo.
Gieo hạt xong hãy phủ lên lớp đất mỏng từ 1-2cm rồi tưới bằng vòi phun nhẹ 2 lần vào buổi sáng hoặc chiều tối. Cần lưu ý nên trồng cây ở nơi thoáng mát, có gió, đủ ánh sáng để cây quang hợp và phát triển tốt.
Kỹ thuật trồng sen lục bình vừa làm cảnh vừa có ý nghĩa xua đuổi tà ma, hút lộc vào nhà.
Chăm sóc cây sen lục bình
Người trồng sen lục bình lưu ý, sau khi đã tiến hành trồng sen lục bình xong vài ngày cần hạn chế tưới nước, một tuần chỉ cần tưới nước 2-3 lần cho cây. Lượng nước tưới nhiều hay ít cũng tùy thuộc vào loại đất trồng và thời tiết.
Để giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt cứ định kỳ 1 tháng bạn có thể phân NPK pha loãng cho cây 1 lần. Nên tưới cách xa gốc và không được tưới phân lúc trời nắng. Đặc biệt cây không chịu được nắng trực tiếp nên hãy để chậu cây trong bóng mát bán phần.
Nếu thấy cây sen lục bình có hiện tượng bị sâu bệnh gây hại như vàng lá, thối lá, hoa héo…ta nên phòng ngừa ngay, ngắt bỏ hết những cành sâu tránh để ảnh hưởng đến toàn cây. Nếu bệnh quá nặng mới tìm thuốc bảo vệ thực vật để trị.
Tác dụng của cây sen lục bình
Trong đông y, vỏ cây sen lục bình được dùng làm thuốc trị táo bón, gây nôn, lợi sữa còn lá của nó dùng để trị ghẻ lở. Cây còn được dùng để chữa trị những bệnh viêm nhiễm như nhọt độc, viêm cơ, viêm hạch…Nếu bị đứt chân, tay bôi nhựa cây này vào, giữ gìn sạch sẽ thì sẽ không lo bị nhiễm trùng nữa.
Trường hợp nhọt đã mưng mủ, ngắt lấy một vài lá đem sửa sạch, cho thêm chút muối rồi giã nát và đắp lên vết nhọt, băng bó lại. Thực hiện liên tục từ 3-5 ngày, mỗi ngày 1 lần cho đến khi lành.
Các vết thương nhỏ, nông như đứt tay, nếu bôi trực tiếp nhựa cây ngô đồng lên và giữ sạch miệng vết thương thì sẽ không bị nhiễm trùng. Với các mũi tiêm có nguy cơ bị áp-xe, có thể bôi nhựa cây lên vùng tiêm từ 2-3 lần/ngày.
Lưu ý khi trồng cây sen lục bìnhPGS.TS Nguyễn Duy Thịnh- (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm- Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, mặc dù thân, lá và nhựa là bài thuốc quý song quả và hạt cây sen lục bình lại chứa chất curcin rất độc, có thể gây bệnh ở gan và hệ tiêu hóa. Nếu trẻ nhỏ không may ăn phải hạt cây ngô đồng sẽ bị tiêu chảy, nôn ói, đau bụng, bỏng rát ở họng. Ông Thịnh khuyến cáo, nếu nghi ngờ hoặc biết chắc chắn bệnh nhân bị ngộ độc hạt cây sen lục bình, ngay lập tức phải dùng mọi biện pháp để người bị nôn ra, nôn được càng nhiều càng tốt. Trong khi nôn, cần để người bệnh nằm nghiêng đầu về một bên và dùng khăn để lau sạch đờm nhớt, chất dịch. Sau đó, cho người bệnh uống một ly nước ấm (có thể pha thêm chút muối) rồi tiếp tục để bệnh nhân nôn rồi sau đó mới đưa đi bệnh viện thăm khám và điều trị. |
0 Comments: